Đạo diễn Dương Vũ (còn gọi là Sủi Cảo) đã làm nên kỳ tích khi phần 2 của "Na Tra" đạt doanh thu 5,775 tỷ NDT (bao gồm vé đặt trước), chính thức trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc. Con số này được dự đoán có thể vượt 9 tỷ NDT – một kỷ lục chưa từng có! Chỉ với hai bộ phim trong gần sáu năm, Dương Vũ không chỉ gặt hái thành công vang dội mà còn thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp hoạt hình Trung Quốc. Năm 2019, bộ phim đầu tay "Na Tra: Ma Đồng Giáng Thế" đã tạo nên cú nổ phòng vé với doanh thu hơn 5 tỷ NDT (682 triệu USD). Năm năm sau, phần tiếp theo của bộ phim thậm chí còn vượt trội hơn, chỉ trong chưa đầy 10 ngày đã vượt doanh thu phần đầu và hứa hẹn sẽ chạm đến những cột mốc mới. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau ánh hào quang hôm nay, Dương Vũ từng bị coi là "kẻ ăn bám", một người lạc lối trong chính ước mơ của mình.
Ba năm sống nhờ cha mẹ: Khi đam mê trở thành gánh nặng
Sinh năm 1980 tại Tứ Xuyên trong một gia đình làm y khoa, Dương Vũ được kỳ vọng sẽ theo ngành dược. Dù yêu thích hội họa từ nhỏ, anh vẫn phải gác lại ước mơ và theo học khoa Dược tại Đại học Tứ Xuyên. Anh từng nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ vẽ nữa.
Thế nhưng, một bước ngoặt xảy ra vào năm thứ ba đại học khi anh tiếp xúc với phần mềm hoạt hình 3D. Đó như một cánh cửa mở ra thế giới hoàn toàn mới, khơi dậy niềm đam mê mạnh mẽ trong anh.
Tốt nghiệp năm 2003, thay vì làm trong ngành dược, Dương Vũ xin vào một công ty quảng cáo để có thể tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với hoạt hình. Nhưng công việc không dễ dàng và cha anh hoàn toàn phản đối lựa chọn này, cho rằng hoạt hình là một sở thích vô nghĩa, không có tương lai.
Sự bất đồng đó đẩy anh vào giai đoạn hoang mang nhất trong cuộc đời. Nhưng thay vì từ bỏ, anh "nổi loạn" bằng cách công khai với gia đình rằng mình muốn làm phim hoạt hình!
Trái ngược với cha, mẹ của Dương Vũ lại âm thầm ủng hộ con trai. Bà thậm chí còn mua cho anh một bộ thiết bị đắt tiền, khiến anh vừa cảm động vừa thấy có trách nhiệm hơn. Anh hiểu rằng một khi bước chân vào con đường này, ít nhất 3-5 năm tới sẽ không có thu nhập, và gánh nặng tài chính sẽ đè lên vai bố mẹ. Nhưng chính điều đó lại càng thúc đẩy anh quyết tâm phải thành công.
Năm 2004, Dương Vũ chính thức nghỉ việc và bắt đầu hành trình theo đuổi giấc mơ. Sau 44 tháng, anh hoàn thành bộ phim hoạt hình ngắn đầu tiên của mình, thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và giành được nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế.
Từ một chàng trai bị coi là "ăn bám", anh đã dùng thực lực để đặt chân vào ngành hoạt hình Trung Quốc.
Lý tưởng và thực tế: Đánh đổi để vươn lên
Sau thành công ban đầu, Dương Vũ không hề ngủ quên trên chiến thắng. Năm 2009, anh cùng một cộng sự sáng lập xưởng phim hoạt hình với tham vọng tạo nên dấu ấn riêng.
Nhưng giấc mơ và thực tế luôn có khoảng cách. Công ty sớm đối mặt với khó khăn tài chính, buộc họ phải nhận các dự án thương mại để duy trì hoạt động. Hầu hết công việc đều phải làm theo yêu cầu của khách hàng, không thể tự do sáng tạo.
Sau hơn một năm, họ may mắn hợp tác với một công ty lớn để sản xuất phim hoạt hình. Nhưng đúng lúc mọi thứ đang tiến triển tốt, nhà đầu tư bất ngờ rút lui, khiến dự án đổ bể. Toàn bộ công sức một năm trời tan thành mây khói.
Dương Vũ nản lòng, nhưng đồng thời cũng nhận ra những bài học đắt giá. Anh hiểu rằng mình đang đi đúng hướng, chỉ cần không từ bỏ, cơ hội sẽ đến.
Từ "Na Tra" đến giấc mơ làm sống lại hoạt hình Trung Quốc
Năm 2015, bộ phim hoạt hình Trung Quốc "Monkey King: Hero Is Back" bất ngờ gây chấn động phòng vé. Thành công của bộ phim này đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho Dương Vũ.
Anh tự hỏi: "Tại sao chúng ta không thể làm một bộ phim hoạt hình Trung Quốc mang đẳng cấp thế giới?"
Thế là anh bắt đầu hành trình tạo ra một "Na Tra" hoàn toàn mới.
Với tính cách cầu toàn, anh đặc biệt chú trọng đến từng chi tiết. Từ năm 2015 đến 2019, Dương Vũ cùng hơn 20 nhóm hiệu ứng đặc biệt, 60 công ty sản xuất đã thiết kế hơn 100 mẫu hình ảnh khác nhau để tạo nên Na Tra. Tổng cộng hơn 1.600 người đã tham gia vào dự án này.
Khi bộ phim ra mắt, nó không chỉ phá vỡ kỷ lục doanh thu mà còn thay đổi cách nhìn của công chúng về phim hoạt hình Trung Quốc.
Dương Vũ từng chia sẻ:
“Chúng tôi muốn phá bỏ định kiến rằng hoạt hình Trung Quốc chỉ dành cho trẻ em. Khi khán giả công nhận nỗ lực của chúng tôi, điều đó có nghĩa chúng tôi phải làm tốt hơn nữa. Đổi chân thành lấy chân thành, dùng tác phẩm để đáp lại khán giả.”
Từ một chàng trai bị coi là "ăn bám", Dương Vũ đã trở thành người định hình tương lai của ngành hoạt hình Trung Quốc. Và câu chuyện của anh chính là nguồn cảm hứng cho biết bao người trẻ dám theo đuổi giấc mơ của mình.